Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Ký sự trở lại Sài Gòn sau 5 năm


Thế là không hẹn mà gặp, không định mà nên: Trưa ngày 26/11/ 2012 chiếc ô tô cơ quan chở mình và một đồng nghiệp ra sân bay Nội Bài trên đường “Fly to HCM city” để thực thi 2 công việc đều là trọng trách: “Trao đổi kinh nghiệm CNTT với các Tư vấn bạn và dự hội thảo KHCN ngành điện VN năm 2012”.
Quá lo xa cho hành trình lâu ngày mong mỏi, phần vì trời lại đổ mưa rả rích mình giục anh lái xe xuất phát sớm đến đón nữ đồng nghiệp lãnh đạo trước 15 phút; Thế mấy hay có những việc sớm cũng không được, nhanh cũng không xong: Nhớ đúng 11 giờ trưa xe đón tại nhà tôi …? Vậy là tự sửa sai cho mình Tôi mời anh lái xe vào quán cà fê nhỏ bên đường giết thời gian trong lúc chờ đợi: 15’ qua đi, xe đỗ ngoài hè phố chỉ sợ CA phạt, thế mấy hay thói đời dễ nhiễm cho quan nhỏ mới lên nho nhe chẳng biết mình là ai chỉ hay làm phiền hà người khác.
Thật là may, hôm khởi hành là ngày thứ 2 nên đường xá chỉ bị tắc đôi chút chứ không tới nơi check in chắc là phải cập rập lắm; Thế rồi các thủ tục boarding cũng xong và bắt đầu bay …
Không biết có phải do mình quá tập trung vào quyển quảng cáo của VN airline hay sao mà khi đọc xong một lượt thì chỉ còn 30 phút sẽ hạ cánh xuống SB TSN (dĩ nhiên là có ăn nhẹ trên máy bay rồi). Mình nhoài người ra sát cửa sổ để quan sát phía dưới kia “TP tôi yêu” bao năm chờ đợi sẽ đổi mới ra sao nhìn từ trên cao xuống (?). Vẫn những ô vuông bàn cờ xanh màu xanh của lúa, đây đó lỗ chỗ những mảnh đất bỏ hoang hay đã được qui hoạch vào việc gì rồi; chỉ có một điều mà tôi thắc mắc rồi tự giải thích khi thấy có những vùng nước ngập mênh mang: có lẽ đấy là triều cường chăng (?). Bỗng vang vang trong khoang giọng cơ trưởng thông báo “…máy bay sắp sửa hạ cánh xuống SB TSN, ..nhiệt độ, độ cao lúc này là … , đề nghị mọi người nếu không có việc hãy thắt chặt dây an toàn.. để hạ độ cao xuống …” ; Tôi làm theo lời chỉ dẫn và hồi hộp chờ: máy bay hạ từ từ, chậm chạp, oằn mình nghiêng ngả lắc lư như trêu ngươi những người nóng vội. Bỗng chợt đâu đây: trên khoang ghế phía trên giọng miền Nam của vài người nào đó léo xéo kéo theo những tiếng cười ằng ặc nghe phát sợ! Phải chăng đây:  “quê hương là chùm khế ngọt”, nơi mà ta “thỏa sức hái trèo” chẳng sợ ai; Âu cũng là lẽ thường tình thôi: tình cảm mà! ta có thể bỏ qua cho họ mà đừng phân biệt kẻ Nam người Bắc, kẻ giầu sang, người hèn kém để mà trách tội.
Xuống rồi, ra khỏi máy bay nào! Phải gật đầu chào mấy cô chiêu đãi viên chứ? Ô hay, sao bữa nay vẻ mặt các cô buồn bã thế: chỉ khẽ nhếch mép cười với cái gật đầu miễn cưỡng (?) hay là các cô ghen tỵ với các vị Sài Gòn lảnh lót trước chăng, hoặc giả cũng có thể là phát hiện vẻ mặt náo nức của chúng tôi sắp tới nơi thiên đường định khám phá (chúng ta thừa biết nơi đấy rồi, cũng chẳng có gì đâu ,… đừng mà vội mừng tưởng!)
Thế rồi cũng ra tới cổng sân bay: Gọi Mai Linh taxi ngay để trở về khách sạn! giọng ra lệnh của nữ “bề trên” phát ra - chỉ có Mai Linh là có Hóa đơn đỏ thanh toán (?); lếch thếch kéo lê va ly ra ngoài đầu cổng sân bay và Alô, Mai Linh đâu? tôi đang ở đây! (đang ở Tổng hành dinh của các bạn ngoài SB đây, đến đón đi!). Ô hô, a ha, khôi hài làm sao, ngu ngốc làm sao! Nắng chói trang nóng bức của chiều Sài gòn như muốn cởi tung cái áo vét đang mặc trên người không khí nóng hầm hập. Rồi cũng có xe (mà là xe 4 chỗ hẳn hoi chứ không đi xe 7 chỗ - tốn tiền !!!).
Mấy lần vào Sài gòn chưa bao giờ tôi đi giữa chiều nắng vàng với quang cảnh hai bên đường rõ như như ăn sâu vào mắt tôi như lúc này. Đường vào Sài gòn cũng thay đổi, hình như có mở rộng ra và càng ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà khang trang hơn. Anh lái taxi tỏ ra vồn vã giới thiệu về TP mang tên Bác: kia là cầu công lý nơi Nguyễn Văn Trỗi đặt mìn truy giết Macnamara không thành, đây là bắt đầu quẹo zô đường Nam Kỳ khởi nghĩa và cứ thẳng đường dài rồi một quéo nữa sẽ trải dài quận 1 tới thẳng KS Điện lực chúng tôi sẽ trú ngụ.
KS Điện lực đây rồi, nằm trong một ngõ nhỏ nhưng ngay ở trung tâm Q1 sau nhà hát thành phố: số 5/11 Nguyễn Siêu – đầy bí ẩn; Tỏ ra nhanh nhẩu tôi trả anh lái xe 140 ngàn (dư 10 ngàn hào phóng để mong được câu cám ơn lịch sự ngàn vàng): Không được! hãy cho mấy tờ vé xe đây (mà đã xé được thêm mấy vé thì chẳng cần phải trả thêm làm gì!). Ôi xót xa thay, hụt hẫng thay khi nhận thấy vẻ mặt thoáng chút ngỡ ngàng của Anh lái xe (Anh có biết đâu tôi còn thất vọng hơn anh nhiều khi liên tưởng nỗi mất mát không thể tiền mua được - như nhà thơ Nguyễn Du đã ví “Ngàn vàng mua nổi tiếng cười hay chăng”).Thôi mạnh dạn dấn chân vào nơi dã man: nơi sản sinh ra không ít những kẻ ích kỷ hẹp hòi, phải can đảm lên bước tiếp! Sập cửa xe sau câu chào ngượng ngùng, tôi tiến vào khách sạn. Đây rồi, câu chào hỏi ngọt ngào của 2 cháu đón tiếp tại quầy reception và câu khẩu hiệu bên tường đại ý hết lòng phục vụ các quý khách; Rồi đưa, nhận chứng minh thư, chìa khóa phòng hãy lên đi mà nghỉ ngơi tắm rửa nơi khách sạn 4 sao có chiết khấu cho ngành điện.
Reng reng, chuông sếp gọi, đến giờ rồi đi ăn đi (ăn ở đâu vừa hợp khẩu vị vừa ngon! Thế mới biết mình giỏi thật: hỏi ngay ra 11 Tôn Thất Thiệp: cơm ngon – dân Bắc hay ăn); Nào đi: taxi nhé, lại Mai Linh nhé, cứ Mai Linh mà giã thôi; Dõng dạc tôi ra lệnh thẳng tiến tới quán cơm: chén đi không thì quá đói, mà đã vào phải ăn ra trò chứ! Gọi bia, nước ngọt, món ăn (hơi cân nhắc: thôi mỗi người khoảng < 100 ngàn) thế là kết thúc bữa ăn “thịnh soạn” có cả chuối – 2  quả đét - xe và lại lên Mai Linh trở về khách sạn.
Đến tối rồi: ra kia đi, Trung tâm ngay phía trước: cả muôn tòa nhà tráng lệ đang chào mời các quý khách thăm thú và còn đây cả muôn ánh đèn choáng ngợp dưới những con đường thênh thang tỏa đi khắp các trung tâm mua sắm. Tôi rón rén cất bớt tiền nong và cẩn thận cài ví và giữ chặt cái Iphone 4GS bên mình theo lời cảnh báo của sếp: ở đây bọn chúng táo tợn lắm cướp giật hoành hành như chơi. Nghe lời rồi “Tháp tùng” sếp hiên ngang vào chốn đông người như chẳng sợ gì ai (có gì đâu mà sợ!); Thế là đi dọc Đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ thăm ngắm thỏa thích. Chỗ kia (đầu Nguyễn Huệ) trước kia người ta trồng những bồn hoa trên dải phân cách bữa nay không còn; góc này xưa kia là Mini Rex nơi ta và em vào xem cinema ghế lút đầu ngồi ăn ổi trong rạp mà tay chân lóng ngóng. Ôi những kỷ niệm thủa nào tràn ngập trong tim khiến tôi không thể không hỏi người gác khách sạn: Anh cho hỏi Rex bây giờ có còn chiếu phim nữa không? Thế rồi lại ngẩn ngơ bước hoài trên những ngả phố theo những dấu chân xưa bao nhiêu kỷ niệm để mặc sếp lếch thếch vô hồn theo sau. Đây rồi ta quyết định vào Vincom xem nó khác với ở Hà Nội chỗ nào! Ngập ngừng bước đi rồi quay lại: tự chấn chỉnh quần áo, tư thế mạnh dạn bước vào cửa chính (phía UBND TP). Mát lạnh dễ chiu, cả một không gian rực rỡ ánh đèn từ các gian hàng mỹ phẩm, kim loại quý làm choáng ngợp mắt tôi. Đôi bàn chân bước nhẹ trên nền đá hoa cương to bản pha màu lịch sự qua từng gian hàng mà thỏa sức ngắm nhìn vẫn tự hỏi ta có đủ tự tin chưa?
Cứ lên đi sợ gì mà không xem? Nhưng cứ xem mãi nhỡ người ta hỏi thì chả lẽ cứ trả lời là xem thôi à? Nghĩ ra một mẹo rồi: chụp ảnh! Thế là tới các gian “Mango”, “Bossini”, “Calvin Klein”, “Lacoste”, … chụp ảnh lia lịa làm cho họ nghĩ mình làm quảng cáo không công. Thế mà thành công đấy, đến gian hàng nào cũng được chào hỏi (bằng tiếng Anh hẳn hoi cơ chứ - hay họ nhầm mình là người Nhật hoặc Hàn Quốc chăng?) hãy tự tin, hãnh diện lên – chẳng gì cũng oai phong mang dáng dấp của người HN thanh lịch cơ mà! Lại chụp ảnh - lần này có người ăn theo các biển thương hiệu (tất nhiên là Sếp) và có cơ hội được nói bằng tiếng Anh liều cũng lưu loát. Hiểu biết được nhiều thứ: về tình hình kinh doanh tại các siêu thị nhà hàng lớn ở đây, về giá cả “hàng xịn”, về cách tiếp thị của các nhân viên bán hàng. Nói chung sỹ diện thôi chứ sờ vào hàng thì thấy: mình không phải đối tượng của họ: áo, quần, giầy dép, .. nói chung cỡ tiền cứ tính theo đơn vị một vài trăm USD mà mồm chỉ lẩm nhẩm của một anh toán học qui đổi ra tiền Việt mà đánh lạc hướng bọn bán hàng như thể ta đang quan tâm việc mua bán. Thế là âm mưu cũng thành công: chụp được cho sếp được một số ảnh và ta cũng được vài kiểu; An tâm như kết thúc một hành trình hữu ích đầu tiên chúng tôi lại ra về. Về tới khách sạn, kiểm tra lại ảnh xem kỹ thuật mình chụp bữa nay ra sao: Ối giời ơi là giời! cha bố con nở! sao đi chơi giữa trung tâm tráng lệ hào hoa thế này mà lại đi giép lê vừa to vừa rộng của khách sạn thế ư, sao cái váy mình mặc túi viền diềm đen cho trẻ trung mà lên ảnh như váy ở nhà thế này? Xấu quá, không lấy ảnh! Thật là xỉ nhục tới quốc thể, cương quyết lần sau ta … sẽ trả thù máy ảnh …
Ha ha, thế mấy biết các cụ đã nói: có soi gương mới biết mặt mình nhọ (“gương kia ngự ở trên tường, nước ta ai đẹp nhất được dường như ta”). Thôi, sau một ngày trường mệt mỏi hãy nghỉ ngơi để ngày mai bắt đầu vào nhiệm vụ.
 (còn tiếp…)
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét