Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Kỷ niệm 40 năm ngày vào trường Đại học


Thật là một sự giao thoa kỳ lạ; Quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà CHÚNG TA lứa học sinh 1972 từ cái nôi "chuyên toán" hôm nay đây cùng kỷ niệm 40 năm ngày vào Trường Đại học.

Cho phép Tôi được lạm dụng chữ "cùng" ở đây để xin được bày tỏ cảm xúc của 5 chúng tôi: Ngô Trọng Mại, Vũ Quý Hà, Nguyễn Phú Bình, Đinh Hùng, Phạm Thị Cúc được đại diện tiếng nói chung của "giao thoa" 3 lớp chuyên toán: "7D Dịch Vọng", "10i Chu Văn An" và "K17 Toán Lý ĐHBK HN".
Nói như thế nghĩa là chúng tôi có "họ hàng", "dây mơ, rễ má" với rất nhiều người trong các bạn: Có những người đã được gặp gỡ ngay từ cái ngày lên Trường cấp 2 Dịch Vọng của Thầy Lân để được ôn luyện thi vào chuyên toán; Có những người mà tiếng tăm nổi cồn mà từ lâu ngưỡng mộ như các bạn xinh gái Dư Loan, Thu Nga, ...; Có những người mà chúng tôi gắn bó không chỉ mấy năm trời học sinh chuyên toán mà cả trong suốt cả quãng đời cho tới tận hôm nay!
Đấy chính là lý do cho chúng tôi được tự giới thiệu "5 anh em bám trụ, bám nghề", chung thủy sắt son:
- Ngô Trọng Mại: Đại tá, Trưởng phòng Điều khiển học - Phân viện Tên lửa - Viện KTQS; Giải thưởng "Nhân tài đất Việt" năm 2010.
- Vũ Quý Hà: Trưởng phòng Quan hệ hợp tác quốc tế - Viện IMI - Bộ Công thương, người đã từng đi "năm châu, bốn biển" (Quý Hà trước kia làm ở Viện Quản lý Kinh tế Trung ương)
- Nguyễn Phú Bình: Chuyên viên CNTT - Cty CP Tư vấn XD Điện 1, một con người đam mê nghề nghiệp cho đến khi về hưu.
- Đinh Hùng: Giám đốc Trung tâm máy tính - Trường Đại học Bách khoa HN, một tâm hồn "nhí nhảnh" yêu đời.
- Phạm Thị Cúc: nguyên Trưởng phòng hành chính, cơ quan Tập đoàn Than khoáng sản - nay đã trở thành "Bà ngoại".
Thế đấy, thân thế sự nghiệp tóm tắt của chúng tôi cũng đáng tự hào lắm chứ: những con người sống chết với sự nghiệp tính toán mà tâm hồn không khô khan con số như người ta vẫn nhầm tưởng, mà: chất thơ vẫn lai láng, tình cảm vẫn tràn đầy như những thi nhân thực thụ.
Nhất cử lưỡng tiện, trước là giới thiệu mình là thành viên của 10i Chu Văn An, sau là xin được phép giới thiệu tập thể K17 Toán Lý ĐHBK Hà Nội như là nơi tình cảm nối dài của 10i mình vậy:

Hội ngộ sau 40 năm lớp K17 Toán Lý - Đại học Bách khoa Hà Nội:  

Thoắt một cái, 40 năm trôi qua như một giấc mộng. Hôm nay đây, Khóa 17 Toán Lý chúng tôi tổ chức gặp mặt để ghi nhớ một dấu ấn gần cuối của cả quãng đường dài. 
Sau hàng tháng trời lên lịch và nhắn nhắc Anh Hoàng Minh Lương Lớp trưởng lớp Toán K17 (trưởng ban tổ chức) đã tụ họp được phân nửa số anh em có điều kiện trở về đây: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Khoa Toán Lý K17 (khóa 1972).
Nói là 8h30 hẹn gặp tại cổng trưởng phía Trần Đại Nghĩa thế mà giờ cao su tới tận 9h30 anh em mới tới đủ (Ban Tổ chức còn đi muộn). Có các Anh chị từ nước ngoài trở về như hai vợ chồng bạn Bắc - Triều, bạn Võ Thanh Bình; Có các bậc đàn anh tận miền Nam tranh thủ công tác như Lê Mạnh Thạnh, Nguyễn Văn Dung; và kể cả các bạn tại gia Hà Nội cũng tề tựu đông đủ dưới mái trường xưa.
Chúng tôi đến từng người, từng người một: kẻ mái tóc đã hoa râm, người đầu lơ thơ ít tóc; bác đã về hưu, chị đã thành bà nội ngoại gặp nhau tay bắt mặt mừng vẫn như thủa nào "mày tao chí tớ". Tất cả cầm tay, ôm nhau, chúc nhau sức khỏe vẫn không khỏi nhắc lại những bạn xấu số đã ra đi mà ai cũng tự hứa trong lòng phải sống thật khỏe, phải luôn yêu đời như ngày hôm nay.
Sau vài kiểu ảnh kỷ niệm ngoài cổng trường cả đoàn tiến vào khu tượng đài phù điêu "Trường Đại học Bách khoa HN" mà bâng khuâng cứ ngỡ đang đứng dưới chân "Vạn lý trường thành" với dòng chữ nổi tiếng "Bất đáo trường thành phi hảo hán". Chỗ kia trước kia là C9, chỗ này lúc ta học là cả một vườn cỏ hoa thênh thang bát ngát với những lối đi quanh quanh chuyển tiết học từ nhà C3 sang C9 mà hôm nay đây sừng sững một tượng đài nước phun như mây khói, phía xa kia là quảng trường đối diện C1 - chắc vẫn là khu hành chính giáo vụ trường.
Lại dừng lại tranh thủ chụp ảnh, lại hàn huyên kể lể chuyện ngày xưa, lại nhớ về các thầy ai còn ai mất, lại nhớ các môn học trên giảng đường hoành tráng như tây.
Thôi tất cả để lại đây cho đến bao giờ gặp lại? "60 năm cuộc đời" bài hát gợi cho chúng tôi nỗi buồn về thời gian về tuổi thanh xuân trôi sao nhanh vậy? Nhưng tôi lại nhớ tới một nhà nhân chủng học nào đã nói "chu kỳ vòng đời, kiếp luân hồi 60 năm" mà như một lời an ủi: "Hãy sống vui lên, ta đang trẻ lại".
Điểm tập kết tiếp theo là nhà hàng "Hoa Viên" số 1 Tăng Bạt Hổ: môt nhà hàng sang trọng phủ một màu vàng của những chụp đèn cổ kính lên những dãy bàn ngăn nắp như đang đợi chúng tôi. Chọn mãi mới được chỗ ngồi thích hợp (dạo này kinh tế suy thoái cũng vắng khách) cho tất cả 20 con người.
Ôi một bầu không khí náo nhiệt; Ôi những con người bộc bạch nỗi lòng những chuyện thầm kín giữ suốt 40 năm qua: những câu chuyện mà "sách trắng" hôm nay được quyền công bố. Hãy nâng ly (ly to bia đen nhé) chúc mừng cho cuộc hội ngộ năm nay và mong rằng sang năm vẫn còn nguyên nhân số cho ngày gặp mặt - Trưởng lão Hoàng Minh Lương tuyên bố! Tất cả đứng dậy cùng chạm ly lách cách mà như chạm cả đáy lòng nhau của những con người lâu ngày hội ngộ. Hãy vui lên đi, hãy kể xấu nhau đi, hãy tố cáo những chuyện chưa nói với nhau đi hỡi các bạn! Bình xin làm trung tâm khích bác để các bạn giận mà nhớ lâu.
Rồi chúng tôi ngồi rất lâu, ăn rất lâu như để nghiền ngẫm hay suy ngẫm: mặt các ông đều đã trở thành mặt trời đỏ, còn chị em thì đều đã bốc bốc trong lòng (chẳng mấy khi mà hôm nay chồng cho đi chơi xả láng nhé). Cuộc vui bị ngắt quãng vì một số anh em đi xa phải trở về tranh thủ thăm viếng họ hàng, số còn lại vào nhà hàng cà phê tiếp tục ...
Thế là mong mãi mới có dịp được gặp lại, để rồi ngồi mãi cũng đến lúc phải chia tay: lại ôm nhau thật chặt viết vội những dòng địa chỉ hy vọng chân trời góc bể biết đâu có lúc gặp nhau. 14h30' chúng tôi lại ra đi như lúc đến: mỗi người mỗi ngả, trở về tiếp tục những lo toan của cuộc đời ....
Mời các bạn click vào đây xem ảnh nhé!
NPB


Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Ký sự Sài Gòn (tiếp)

Một vài hình ảnh thay lời kể lại về hành trình Sài Gòn sau 5 năm trở lại
(các bạn Click vào đường link trên và download file clip về chạy nhé!)
NPB

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Ký sự trở lại Sài Gòn sau 5 năm


Thế là không hẹn mà gặp, không định mà nên: Trưa ngày 26/11/ 2012 chiếc ô tô cơ quan chở mình và một đồng nghiệp ra sân bay Nội Bài trên đường “Fly to HCM city” để thực thi 2 công việc đều là trọng trách: “Trao đổi kinh nghiệm CNTT với các Tư vấn bạn và dự hội thảo KHCN ngành điện VN năm 2012”.
Quá lo xa cho hành trình lâu ngày mong mỏi, phần vì trời lại đổ mưa rả rích mình giục anh lái xe xuất phát sớm đến đón nữ đồng nghiệp lãnh đạo trước 15 phút; Thế mấy hay có những việc sớm cũng không được, nhanh cũng không xong: Nhớ đúng 11 giờ trưa xe đón tại nhà tôi …? Vậy là tự sửa sai cho mình Tôi mời anh lái xe vào quán cà fê nhỏ bên đường giết thời gian trong lúc chờ đợi: 15’ qua đi, xe đỗ ngoài hè phố chỉ sợ CA phạt, thế mấy hay thói đời dễ nhiễm cho quan nhỏ mới lên nho nhe chẳng biết mình là ai chỉ hay làm phiền hà người khác.
Thật là may, hôm khởi hành là ngày thứ 2 nên đường xá chỉ bị tắc đôi chút chứ không tới nơi check in chắc là phải cập rập lắm; Thế rồi các thủ tục boarding cũng xong và bắt đầu bay …
Không biết có phải do mình quá tập trung vào quyển quảng cáo của VN airline hay sao mà khi đọc xong một lượt thì chỉ còn 30 phút sẽ hạ cánh xuống SB TSN (dĩ nhiên là có ăn nhẹ trên máy bay rồi). Mình nhoài người ra sát cửa sổ để quan sát phía dưới kia “TP tôi yêu” bao năm chờ đợi sẽ đổi mới ra sao nhìn từ trên cao xuống (?). Vẫn những ô vuông bàn cờ xanh màu xanh của lúa, đây đó lỗ chỗ những mảnh đất bỏ hoang hay đã được qui hoạch vào việc gì rồi; chỉ có một điều mà tôi thắc mắc rồi tự giải thích khi thấy có những vùng nước ngập mênh mang: có lẽ đấy là triều cường chăng (?). Bỗng vang vang trong khoang giọng cơ trưởng thông báo “…máy bay sắp sửa hạ cánh xuống SB TSN, ..nhiệt độ, độ cao lúc này là … , đề nghị mọi người nếu không có việc hãy thắt chặt dây an toàn.. để hạ độ cao xuống …” ; Tôi làm theo lời chỉ dẫn và hồi hộp chờ: máy bay hạ từ từ, chậm chạp, oằn mình nghiêng ngả lắc lư như trêu ngươi những người nóng vội. Bỗng chợt đâu đây: trên khoang ghế phía trên giọng miền Nam của vài người nào đó léo xéo kéo theo những tiếng cười ằng ặc nghe phát sợ! Phải chăng đây:  “quê hương là chùm khế ngọt”, nơi mà ta “thỏa sức hái trèo” chẳng sợ ai; Âu cũng là lẽ thường tình thôi: tình cảm mà! ta có thể bỏ qua cho họ mà đừng phân biệt kẻ Nam người Bắc, kẻ giầu sang, người hèn kém để mà trách tội.
Xuống rồi, ra khỏi máy bay nào! Phải gật đầu chào mấy cô chiêu đãi viên chứ? Ô hay, sao bữa nay vẻ mặt các cô buồn bã thế: chỉ khẽ nhếch mép cười với cái gật đầu miễn cưỡng (?) hay là các cô ghen tỵ với các vị Sài Gòn lảnh lót trước chăng, hoặc giả cũng có thể là phát hiện vẻ mặt náo nức của chúng tôi sắp tới nơi thiên đường định khám phá (chúng ta thừa biết nơi đấy rồi, cũng chẳng có gì đâu ,… đừng mà vội mừng tưởng!)
Thế rồi cũng ra tới cổng sân bay: Gọi Mai Linh taxi ngay để trở về khách sạn! giọng ra lệnh của nữ “bề trên” phát ra - chỉ có Mai Linh là có Hóa đơn đỏ thanh toán (?); lếch thếch kéo lê va ly ra ngoài đầu cổng sân bay và Alô, Mai Linh đâu? tôi đang ở đây! (đang ở Tổng hành dinh của các bạn ngoài SB đây, đến đón đi!). Ô hô, a ha, khôi hài làm sao, ngu ngốc làm sao! Nắng chói trang nóng bức của chiều Sài gòn như muốn cởi tung cái áo vét đang mặc trên người không khí nóng hầm hập. Rồi cũng có xe (mà là xe 4 chỗ hẳn hoi chứ không đi xe 7 chỗ - tốn tiền !!!).
Mấy lần vào Sài gòn chưa bao giờ tôi đi giữa chiều nắng vàng với quang cảnh hai bên đường rõ như như ăn sâu vào mắt tôi như lúc này. Đường vào Sài gòn cũng thay đổi, hình như có mở rộng ra và càng ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà khang trang hơn. Anh lái taxi tỏ ra vồn vã giới thiệu về TP mang tên Bác: kia là cầu công lý nơi Nguyễn Văn Trỗi đặt mìn truy giết Macnamara không thành, đây là bắt đầu quẹo zô đường Nam Kỳ khởi nghĩa và cứ thẳng đường dài rồi một quéo nữa sẽ trải dài quận 1 tới thẳng KS Điện lực chúng tôi sẽ trú ngụ.
KS Điện lực đây rồi, nằm trong một ngõ nhỏ nhưng ngay ở trung tâm Q1 sau nhà hát thành phố: số 5/11 Nguyễn Siêu – đầy bí ẩn; Tỏ ra nhanh nhẩu tôi trả anh lái xe 140 ngàn (dư 10 ngàn hào phóng để mong được câu cám ơn lịch sự ngàn vàng): Không được! hãy cho mấy tờ vé xe đây (mà đã xé được thêm mấy vé thì chẳng cần phải trả thêm làm gì!). Ôi xót xa thay, hụt hẫng thay khi nhận thấy vẻ mặt thoáng chút ngỡ ngàng của Anh lái xe (Anh có biết đâu tôi còn thất vọng hơn anh nhiều khi liên tưởng nỗi mất mát không thể tiền mua được - như nhà thơ Nguyễn Du đã ví “Ngàn vàng mua nổi tiếng cười hay chăng”).Thôi mạnh dạn dấn chân vào nơi dã man: nơi sản sinh ra không ít những kẻ ích kỷ hẹp hòi, phải can đảm lên bước tiếp! Sập cửa xe sau câu chào ngượng ngùng, tôi tiến vào khách sạn. Đây rồi, câu chào hỏi ngọt ngào của 2 cháu đón tiếp tại quầy reception và câu khẩu hiệu bên tường đại ý hết lòng phục vụ các quý khách; Rồi đưa, nhận chứng minh thư, chìa khóa phòng hãy lên đi mà nghỉ ngơi tắm rửa nơi khách sạn 4 sao có chiết khấu cho ngành điện.
Reng reng, chuông sếp gọi, đến giờ rồi đi ăn đi (ăn ở đâu vừa hợp khẩu vị vừa ngon! Thế mới biết mình giỏi thật: hỏi ngay ra 11 Tôn Thất Thiệp: cơm ngon – dân Bắc hay ăn); Nào đi: taxi nhé, lại Mai Linh nhé, cứ Mai Linh mà giã thôi; Dõng dạc tôi ra lệnh thẳng tiến tới quán cơm: chén đi không thì quá đói, mà đã vào phải ăn ra trò chứ! Gọi bia, nước ngọt, món ăn (hơi cân nhắc: thôi mỗi người khoảng < 100 ngàn) thế là kết thúc bữa ăn “thịnh soạn” có cả chuối – 2  quả đét - xe và lại lên Mai Linh trở về khách sạn.
Đến tối rồi: ra kia đi, Trung tâm ngay phía trước: cả muôn tòa nhà tráng lệ đang chào mời các quý khách thăm thú và còn đây cả muôn ánh đèn choáng ngợp dưới những con đường thênh thang tỏa đi khắp các trung tâm mua sắm. Tôi rón rén cất bớt tiền nong và cẩn thận cài ví và giữ chặt cái Iphone 4GS bên mình theo lời cảnh báo của sếp: ở đây bọn chúng táo tợn lắm cướp giật hoành hành như chơi. Nghe lời rồi “Tháp tùng” sếp hiên ngang vào chốn đông người như chẳng sợ gì ai (có gì đâu mà sợ!); Thế là đi dọc Đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ thăm ngắm thỏa thích. Chỗ kia (đầu Nguyễn Huệ) trước kia người ta trồng những bồn hoa trên dải phân cách bữa nay không còn; góc này xưa kia là Mini Rex nơi ta và em vào xem cinema ghế lút đầu ngồi ăn ổi trong rạp mà tay chân lóng ngóng. Ôi những kỷ niệm thủa nào tràn ngập trong tim khiến tôi không thể không hỏi người gác khách sạn: Anh cho hỏi Rex bây giờ có còn chiếu phim nữa không? Thế rồi lại ngẩn ngơ bước hoài trên những ngả phố theo những dấu chân xưa bao nhiêu kỷ niệm để mặc sếp lếch thếch vô hồn theo sau. Đây rồi ta quyết định vào Vincom xem nó khác với ở Hà Nội chỗ nào! Ngập ngừng bước đi rồi quay lại: tự chấn chỉnh quần áo, tư thế mạnh dạn bước vào cửa chính (phía UBND TP). Mát lạnh dễ chiu, cả một không gian rực rỡ ánh đèn từ các gian hàng mỹ phẩm, kim loại quý làm choáng ngợp mắt tôi. Đôi bàn chân bước nhẹ trên nền đá hoa cương to bản pha màu lịch sự qua từng gian hàng mà thỏa sức ngắm nhìn vẫn tự hỏi ta có đủ tự tin chưa?
Cứ lên đi sợ gì mà không xem? Nhưng cứ xem mãi nhỡ người ta hỏi thì chả lẽ cứ trả lời là xem thôi à? Nghĩ ra một mẹo rồi: chụp ảnh! Thế là tới các gian “Mango”, “Bossini”, “Calvin Klein”, “Lacoste”, … chụp ảnh lia lịa làm cho họ nghĩ mình làm quảng cáo không công. Thế mà thành công đấy, đến gian hàng nào cũng được chào hỏi (bằng tiếng Anh hẳn hoi cơ chứ - hay họ nhầm mình là người Nhật hoặc Hàn Quốc chăng?) hãy tự tin, hãnh diện lên – chẳng gì cũng oai phong mang dáng dấp của người HN thanh lịch cơ mà! Lại chụp ảnh - lần này có người ăn theo các biển thương hiệu (tất nhiên là Sếp) và có cơ hội được nói bằng tiếng Anh liều cũng lưu loát. Hiểu biết được nhiều thứ: về tình hình kinh doanh tại các siêu thị nhà hàng lớn ở đây, về giá cả “hàng xịn”, về cách tiếp thị của các nhân viên bán hàng. Nói chung sỹ diện thôi chứ sờ vào hàng thì thấy: mình không phải đối tượng của họ: áo, quần, giầy dép, .. nói chung cỡ tiền cứ tính theo đơn vị một vài trăm USD mà mồm chỉ lẩm nhẩm của một anh toán học qui đổi ra tiền Việt mà đánh lạc hướng bọn bán hàng như thể ta đang quan tâm việc mua bán. Thế là âm mưu cũng thành công: chụp được cho sếp được một số ảnh và ta cũng được vài kiểu; An tâm như kết thúc một hành trình hữu ích đầu tiên chúng tôi lại ra về. Về tới khách sạn, kiểm tra lại ảnh xem kỹ thuật mình chụp bữa nay ra sao: Ối giời ơi là giời! cha bố con nở! sao đi chơi giữa trung tâm tráng lệ hào hoa thế này mà lại đi giép lê vừa to vừa rộng của khách sạn thế ư, sao cái váy mình mặc túi viền diềm đen cho trẻ trung mà lên ảnh như váy ở nhà thế này? Xấu quá, không lấy ảnh! Thật là xỉ nhục tới quốc thể, cương quyết lần sau ta … sẽ trả thù máy ảnh …
Ha ha, thế mấy biết các cụ đã nói: có soi gương mới biết mặt mình nhọ (“gương kia ngự ở trên tường, nước ta ai đẹp nhất được dường như ta”). Thôi, sau một ngày trường mệt mỏi hãy nghỉ ngơi để ngày mai bắt đầu vào nhiệm vụ.
 (còn tiếp…)
  

Tản mạn du lịch Trung Quốc – Nhiều điều thú vị


Xin chào tất cả các bạn 7D thân mến!

Mình xin phép không được giới thiệu danh tính bởi vì từ lâu đã ngưỡng mộ các bạn như những con người chuẩn mực trong cuộc sống, sự nghiệp, tình yêu, tình bạn.
Hôm nay, nhân lúc rỗi rãi ngày cuối tuần, mình mạn phép trộm ý đẹp lời hay của “các vị tiền bối”. Thật sửng sốt và thấm thía các áng văn sâu cay của học giả Bùi Văn Bồng; Mình rất khâm phục trí nhớ, kiến thức và sự từng trải của Tác gia. Không biết Vị “Giáo sư” này ở đâu xin Phu nhân của Đỗ Bá Khang cho mình biết thông tin với.
Nói vậy là có lý do của cá nhân mình xin được giãi bày với các bạn như một minh chứng sống được chiêm nghiệm và cũng xin trao đổi về nhận thức và cách ứng xử khi đi du lịch TQ.
Chuyện là thế này: vào năm 2005, cơ quan mình có tổ chức mình chuyến đi tham quan Trung Quốc (tour 10 ngày) bào gồm 4 tỉnh: Vân Nam, Nam Ninh, Bắc Kinh, Thượng Hải và tất nhiên là cũng qua vài địa danh có trong bài báo.
Hành trình của bọn mình là đi ô tô tới địa giới Trung Quốc, làm thủ tục rồi vào Vân Nam. Ở đấy tới ngày hôm sau đi sâu vào Nam Ninh cửa khẩu thông thương với Việt nam nổi tiếng là nhiều hàng hóa.
Phổ biến kinh nghiệm: Trước khi đi, cả đoàn họp và được truyền đạt kinh nghiệm là: đừng mua gì cả, bọn HDV du lịch Trung quốc nó đưa vào những chỗ bán hàng giả, lừa đảo, chặt chém ,… Ai cũng thấm thía và khắc ghi vào tâm can “Đả đảo bọn lừa đảo Ba Tầu” “Không làm vật hy sinh cho chúng nó”.
Mình xin bắt đầu từ Nam Ninh Trung Quốc:
-       Choáng ngợp: Ôi đang từ những đường phố chật hẹp, bụi bặm, đông đúc sang một thành phố hoành tráng với những đại lộ mà vỉa hè có thể đỗ hàng 4 ô tô, những con đường dàn trải 8 làn ô tô 2 chiều ai mà chẳng choáng ngợp; Rồi những tối đi bộ qua các phố mua sắm sao đông vui náo nhiệt vô cùng: các đôi trai thanh gái lịch dắt tay nhau tình tứ: cuộc sống này cũng đáng được ngưỡng mộ đấy chứ. Họ cũng như ta, sao mà ai đó gieo nỗi ác cảm ám ảnh tâm can trong sáng của con người.
-       Bất đồng ngôn ngữ: Thật buồn quá: ở TQ nơi công cộng người nói được tiếng Anh ít quá – cứ nghĩ mình bị lạc đường cũng không hỏi ra lối (đường phố thì tên tiếng Hoa). Cho nên đi chơi thì không dám chơi xa – chỉ quanh quẩn quanh khách sạn. Tối đến, khách sạn 3 sao (tốt thật) có tổ chức bữa cơm chiêu đãi mà mình về muộn tiếng Tầu mình không biết, tiếng Anh thì cả 2 bên đều ọ ẹ; Chết thật, không biết phòng ăn nó bố trí ở đâu? Mạnh dạn xuống reception hỏi bọn chúng – rất lịch sự lễ phép và bằng tiếng Anh lơ lớ cả hai bên đều lờ mờ hiểu là ở đâu đó trong khách sạn này. Cuối cùng người phá tan rào cản ngôn ngữ lại chính là các Em gái xinh đẹp ở reception “Các Anh từ Việt nam sang à?”; giật mình và ngỡ ngàng quả thật họ giống người Trung quốc thật hay là mình giống người Nhật chăng? Thôi an ủi phần nào đã kịp bữa cơm chiều!
-        Công viên Nam Ninh và hướng thú: Sáng hôm sau, theo hành trình đi thăm công viên và mua sắm. Thành thực mà nói ở đây cái gì cũng hoành tráng: công viên rộng mênh mông, lối đường nhựa ô tô vào thỏa sức, đủ các loại hoa trong các khu trồng được chăm sóc cẩn thận thật tuyệt vời cảnh sắc. Nếu các bạn trẻ trước khi cưới mà vào đây chụp ảnh thì thôi rồi! Tiếp đó tới hồ cá – như “Ao cá Bác Hồ” ở ta vậy nhiều cá chép vàng đua nhau ngôi lên mặt nước đón những thức ăn mà khách du lịch ban tặng. Ở đây, người ta làm dịch vụ du lịch tốt thật: có chỗ bán thức ăn cho các giá phải chăng, có chỗ cho thuê các áo mũ cân đai vua chúa để chụp ảnh thưởng ngọa thú vui bên hồ (chỉ 100 000 một bộ và 1 kiểu ảnh thôi) OK quá còn gì; Rồi lên lầu cao ngắm cảnh overview. Tất cả ấn tượng đều tốt.
      HÀNH TRÌNH “Bị lừa khi mua sắm”
-       Mua sắm tại Trung tâm ngọc trai Nam Ninh: Cả Đoàn đã bớt nung nấu ý chí “quyết không hợp tác với doanh nhân TQ”: ừ thì đi xem sao, cùng lắm thì ta chỉ ngắm và không mua ai ăn thịt!
-       Trung tâm bán ngọc trai Nam Ninh: Chao ôi vào cửa hang thật lộng lẫy cứ như là lên “VINCOM” giờ vậy: các cô gái ăn mặc váy Thượng Hải khêu gợi đầy quyến rũ, Các ông chủ gian hang lịch thiệp mời chào và không quên cảnh báo: Đây là Trung tâm mua bán có thương hiệu, uy tín của Nam Ninh; không nên đi mua ở các cửa hang nhỏ lẻ dễ bị trà trộn hàng giả, … Được, cứ xem rồi quyết định! Tới từng gian mỗi gian đều có cùng loại mặt hàng và chất lượng kèm giá cả khác nhau. Vẫn nhớ lời dặn: đừng mua, nhưng chẳng lẽ đi chơi mà không có quà về nhà ư? Không ai bảo ai tự nhiên hội chứng mua lan truyền một, rồi hai, rồi nhiều người hỏi mua. Nhưng hãy cảnh giác khéo bị lừa vẫn len lỏi trong hành động cử chỉ của mỗi người. Còn ta thì sao ? phải tự quyết định hành vi của mình chứ! Hãy mạnh dạn lên “Tiền nào của nấy” ta phải cao tay hơn họ: chọn loại đắt tiền! Thế rồi mình chọn 2 chuỗi ngọc trai mỗi cái cỡ 1,5 tr và 2 cái lót lên trên mặt gối (được giới thiệu làm bằng đá mã não) mỗi cái 600 K cùng vài cái vòng cho trẻ con (rẻ tiền thì thế nào cũng được). rất hả hê ra về với hàng hóa kỷ niệm cho mọi người chất lượng hơn hẳn các đồng nghiệp.
-       Nhưng than ôi! Những tưởng mình khôn hơn thiên hạ nhưng Trời (Chúng Nó” quả báo mình ngọt ngào biết bao nhiêu: sau 2 năm trời tất cả phẩm vật đều hóa thành mầu xỉn như tro. Như thế mới là “Siêu lừa”, chứ những điều tác giả viết vẫn chỉ cho những người chưa có Experience mà thôi!
-        Khám bệnh không mất tiền: Thế đấy ai cũng nghĩ mình đã đề phòng, ai cũng nghĩ mình khôn hơn họ mà cái chính nhất là tâm lý đi xa phải có quà đã ăn sâu trong người VN – Đức hiếu thảo đáng quý của người VN là  “Doanh nhân du lịch TQ” họ thấu hiểu hơn ta.
      Còn nữa: Lòng tham của con người: ai mà không chê của biếu, ai mà từ chối “lòng tốt” và nhất là “lòng tốt” được lượng hóa thành tiền. Đó chính là chủ đề tiếp theo của mình “Khám bệnh không mất tiền”.
      Bắt mạch Kê đơn không lấy tiền: Hầu như Tour du lịch TQ nào cũng ghé qua các Trung tâm khám bệnh “Từ thiện” này cả. Bọn mình đã qua cả Nam Ninh và Bắc Kinh (đã qua cả Đổng Thiên Đường) và xin kể tóm tắt dịch vụ này như thế này: Xin mời các Cô, Bác, Anh chị Em (có 1 cô phiên dịch TQ có gốc gác VN xịn) đến thăm Trung tâm … để có cơ hội thăm khám các Giáo sư, các Lương y nổi tiếng TQ và nhận được tư vấn không mất tiền. Thế là khấp khởi mừng thầm: ta không phải dốc hầu bao ra nữa mà từ lâu TQ với Hoa Đà nổi danh ngàn năm nay có dịp gặp những hậu nhân khả úy với “no charge” OK quá chứ không à! Các bác nhà ta kẻ nhiều bệnh (thậm chí nan y) lẫn người khám chơi xem họ phán có đúng không lần lượt được nghe tim phổi, bắt mạch xem tay chân: Ông này phổi bị nghẽn, Anh kia có cục máu đông, Bác có tuổi cần phải dung rượu tửu mà hoàng đế Trung Hoa chữa bách bệnh. Ôi kể ra thì dài lắm nhưng chỉ có một điều, đứng bên cạnh có một cô y tá blu nói tiếng Việt trơn làu làu mà lòng tự hào dân tộc lẫn thoái thác tiếng Hoa không hiểu chẳng còn là lý do chìa cổ cho họ chặt chém. Đoàn mình có Anh mua tới 2 0000 USD thuốc bắc chữa bệnh, Bác cùng phòng thả hết cả tiền vợ cho ôm một đống lá cây lảm nhảm về nhà vứt sạch. Đấy là cái kết cục thứ 2 mà mình tổng kết.
      Thật may thay, mình phần vì không mang nhiều tiền, phần vì đi khám bệnh nhiều lần nên hiểu được Đông y bắt mạch thế nào và thuyết ngũ hành cùng 12 kinh lạc cho nên chỉ đứng ngoài quan sát. Xem ra sỹ diện là một điều không nên, nhất là khi du lịch TQ (mà không sỹ diện sao được khi không mua thuốc theo toa nhiều của họ thì nó mắng té tát, thôi đành lấy ít xem sao vậy! Vẫn chết nặng!)
      Thuốc chữa lành vết thương (xương cốt) và thuốc chữa bỏng: Thế là mình cũng đã chiêm nghiệm được thực tế và đã khôn ra; Nhưng chẳng nhẽ mình cứ bị lừa à? Phải chỉ tận tay day tận mặt cái bọn lừa đảo! (À mình còn quên không hiểu sau khi bọn nó khám bênh nó phát công mà mình thấy hơi khói tỏa ra sat cổ người bệnh vậy vẫn chưa tìm ra?)
     Được rồi mình phải rình chúng nó mới được, Ức thật Đoàn mình nhiều người ném tiền qua cửa sổ quá mà khuyên can cũng không đc. Tới màn “bẻ chân gà rịt thuốc tiên”. Trên sân khấu một chú gà trống choai bị thí mạng bẻ rắc cả 2 chân rồi nhanh chóng được các nhà ảo  thuật xoay trở về vị trí cũ, quấn thuốc xung quanh nhanh như chớp và đẩy nhanh ra sân khấu, chú gà vùng lên loạng choạng phi vào còn chậm hơn cả người thả nó ra tóm lại chạy ra sau sân khấu trong tiếng vỗ tay rào rào không biết từ đâu ra nữa. Chạy theo hắn ngay, mình vòng ra sau. Ôi đau đớn thay chú gà, dãy dụa phủ phục dưới sân tưởng mình là vị cứu tinh thoát khỏi nồi lẩu. Tên bịp bợp vội che chắn và đuổi mình ra. Tiếp theo là màn chào hỏi bán thuốc: thuốc này chữa chạy cho cả khi gẫy xương lành ngay như các vị thấy đấy chứ đau xưng cốt là gì với nó. Mua đi, mua đi giá rẻ bất ngờ! một vài cò mồi móc hầu bao kéo theo số người nhẹ dạ và tham rẻ mua theo. Thật là may cả Đoàn mình không ai mua cả, Bỉ thật!
      Còn màn bán thuốc bỏng có nhân chứng một cô ả giơ đôi tay ngọc ngà cho sợi xích lửa đỏ rực cháy xém đen thế mà diệu kỳ thay cánh tay “đen” trở lại thành “trắng nõn” mê quá đi chứ: mình không bị bỏng mà cũng muốn bôi thuốc còn gì. Thế đấy, vẫn bị lừa Đoàn mình mấy người mua về cho con cháu chúng nó hay nghịch lửa, nước sôi, chẳng may có cái bôi không khỏi ngay thì cũng đỡ. Thuốc TQ mà nổi tiếng Đông y thần dược, mắt thấy tai nghe còn gì không tin nữa. Kết luận là “Trăm nghe không bằng một thấy” logic nào thắng được thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu được mà thôi.
      (kỳ sau tiếp nữa: còn nhiều chiêu trò ứng xử của VN tourist với TQ Business và kết cục cuối cùng mình lại là người cuối cùng của Đoàn bị lừa khi Tàu về tới tận Biên giới VN!)
      Xin chào các bạn nữ 7D xinh đẹp khi xưa mà mình ngưỡng mộ.
      NPB 

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Sài gòn bữa nay có gì lạ?


Thế là Thứ 2 này Bình có một chuyến đi xa sau 5 năm: trở lại Sài Gòn! 
Không biết cảm xúc trong lòng lúc này ra sao nữa: Mừng không ra mừng, vui không ra vui bởi nơi ấy không biết có còn những kỷ niệm bấy lâu muốn xóa nhòa.
Bữa trước, hôm đi chơi Thanh Thủy - Phú Thọ ghen tỵ khi hỏi thăm Ái Việt về bạn Ngô Việt Hà 10i lớp ta hòng mong có chốn nơi mang hộ tình cảm tới của các bạn. Thế mà sao: "Ở lớp này, chỉ có hình ảnh của mỗi một người trong ký ức tôi .. " - Ái Việt nhắc lại câu trả lời của bạn ấy. Thực thế ư? sao mà ích kỷ thế Ái Việt (?) bạn của bạn cũng là bạn của tôi, của chúng ta. Mà cũng phải thôi: mình nhớ lại đã lâu lăm rồi dễ có đến hơn chục năm qua: cái cảm giác khấp khởi mừng thầm với thiên chức sứ giả "Tình bạn" mang thông điệp "10i ta ơi" tới Ngôi nhà khiêm tốn trên con đường "Điện Biên Phủ" gần cầu Sài Gòn tới người bạn xa mà mỗi cuộc vui chúng ta thường nhắc đến. Thế mà hỡi ôi: Gặp lại một người đàn bà còn trẻ vẫn dáng điệu chầm chậm, nói năng từ tốn nhát gừng với khuôn mặt chẳng biểu lộ niềm vui hay bất ngờ của những người bạn xa lâu ngày gặp lại hay của những người ở các "thiên đường", "địa giới"  khác nhau hội ngộ. Một vài câu chào hỏi xã giao, vài lời hỏi han về gia đình, con cái mà quên mất một nửa phái kia của 10i với bao tình cảm. Ra về rồi, mình vẫn băn khoăn tự hỏi: có lẽ nào con người mình vô vị đến thế? hay phải chăng cuộc sống đô thành Sài Gòn phồn vinh gấp gáp đã đẩy con người ta cuốn theo dòng đời, dòng cuộc sống trần thực với những lo toan vất vả đời thường: Một bạn gái 10i vẫn trầm lặng, ít nói (Vì sao?)
Ngày kia, mình sẽ bay vào Sài Gòn những mong kiểm định lại suy đoán đã qua của bản thân có còn đúng nữa không mà không biết có thông tin từ ai đấy duy nhất trong tâm trí của bạn ta. Ái Việt ơi - bạn cho mình thông tin đi để mình tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng được không bạn?
Nguyễn Phú Bình

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Chào mừng ngày Hiến chương các nhà giáo 20-11


Như là một thông lệ, hàng năm cứ vào ngày 20-11 Tập thể lớp 10i lại tổ chức một buổi dã ngoại chơi xa với vinh dự có sự hiện diện của Thầy Huy chủ nhiệm.
Năm nay Ban tổ chức của lớp (các bạn Chính, Đàm Dũng, Quang Bình) sau khi tiền trạm trước đã ra nghị quyết: "Tắm tiên tại suối nước khoáng Thanh Thủy - Phú Thọ và các dịch vụ sau đó ..".
Đúng 8h sáng 18/11 (CN) chiếc xe Buýt 26 chỗ ngồi đã tập kết tại đầu đường Hoàng Quốc Việt lối rẽ vào nhà Thầy Huy chở theo một đại gia đình gồm các đồng niên cùng các dâu rể (18 người). Đến giờ chót thì được tin Thầy Huy có việc bận đột xuất không cùng vui đồng hành (như năm ngoái tại trang trại của Trần Dũng): Thật thất vọng cho các ca sỹ nghiệp dư không có cơ hội để thể hiện các ca khúc về thầy cô nhân ngày 20-11!
Dẫu sao hào hứng của chuyến đi đầy hứa hẹn đã nhanh chóng san lấp nỗi trống vắng thiếu thầy. Chuyến đi này ghi dấu ấn của các Bà nội, ngoại: Bích Ngọc, Thanh, Cúc, Hiền đã không "tham công tiếc việc", "chăm cháu ,chăm chồng" để san sẻ tình xưa nghĩa cũ với tập thể 10i đầy ắp kỷ niệm. Và còn nữa còn các cao thủ võ lâm Ái Việt và Hồng Phương cũng tới đăng đàn. Nhưng tiếc thay các kỳ phùng địch thủ Lê Trung Nghĩa, Thái Công ĐỊnh, Nguyễn Quý Bình không nhận lời tham dự; Thảo nào Đội các cổ động viên, thầy rùi Ngô Trọng Mại, Vũ Quý Hà không xuất hiện. Thật là mất vui khi không có Họ.
Thế là xe chuyển bánh với đầy ắp tiếng cười vui, những lời chúc tụng, những kỷ niệm trường cũ, thầy xưa xóa nhòa quãng đường dài 80 km..
Thanh Thủy đây rồi: đường rẽ vòng vào cũng như các khu resort khác vùng Ba Vì nhưng đường xá rộng rãi dễ đi hơn; Cả Đoàn nháo nhác tìm xem có cảnh vật gì lạ ven đường không? có các "đại biểu" vẫy chào không? (như ở nhà người ta nói). Tuyệt nhiên không! Thật trong lành và tinh khiết! Có lẽ chúng ta sẽ đi vào cõi Tiên chăng? Hãy chờ một lát (Hồi sau) sẽ rõ. Sau một hồi Ban Tổ chức tất bật tìm kiếm và confirm: chỗ ăn đã đặt rồi: Thực đơn toàn "DÊ" và cả Đoàn "ngập ngừng, e ngại" tấp tểnh vào "Cõi tiên" như đã định: Hồ tắm khoáng nóng!
Ập vào mắt chúng tôi là một không gian tràn ngập ánh sáng nắng và một màu nước trong xanh trải rộng: Hồ tắm Thanh Thủy khép mình nằm im dưới hòn non bộ sừng sững uy nghi với đầy những vòi nước phun trắng xóa. 
Thỏa sức đi các bạn: Bơi trườn, bơi sải, bơi ếch và bơi ngửa như chưa từng được bơi hay lâu lắm rồi mới được thể hiện. Dòng nước khoáng ấm áp thật dễ chịu biết bao như mát xa toàn bộ cơ thể sau bao ngày căng nén. Hỡi các bà nội trợ "Hãy đến đây" mà tận hưởng; Hỡi các đấng mày râu hãy gồng mình cho vòi rồng quất nước rát mặt cho tỉnh người và hòa đồng với các "Tiên nữ" quê quê, tỉnh tỉnh để mình ngỡ cái trần tục nguyên sơ, xin đừng chê bai và bình luận. Tất cả để trải nghiệm, để tận hưởng giây phút mà ta cho là thần tiên là thanh khiết.
Kìa hãy xem các "Chị" nhà ta leo lên hòn non bộ khiến cho mình vừa lo vừa sợ: không biết núi cao có sợ "Các Bà" không? không biết đá tảng có đau khi nhận những dấu chân của chị em ta không? Hãy để sau xem Clip ảnh đính kèm sẽ rõ!
Bơi mãi rồi cũng mệt, leo mãi rồi cũng chồn chân, tán mãi rồi cũng chẳng biết làm gì tiếp đúng là Thanh Thủy thật! hay là ta đổi tên là Thanh Nhân cho hợp nhỉ.
Thế là 2 cái khoái đã qua đi: chơi và chờ! Ta tiếp tục hưởng thụ nốt 2 khoái còn lại: ăn và uống!
Về cái chuyện ăn, uống thì văn sỹ nào cũng chẳng tả nổi, nhưng chỉ xin tóm tắt là thế này: võ đàn chia làm 3 bàn: chiếu trên các võ sư cao tửu: Hồng Phương, Đàm Dũng, Đoàn Chính, Ái Việt (?), Trần Dũng (?), Văn Tuấn; Chiếu dưới: Các chị em đầu lớp mà chủ xị là Nguyễn Quang Hòa Bình và Thanh Hiền và chiếu giữa là các nam nhi chưa qua chinh chiến, sợ gió bão mưa dông đứng đầu là Nguyễn Phú Bình và Cấn Vũ Lân.
Chủ đề chính của tiệc rượu là chuyện của nhà triết lý phương Đông - Nguyễn Văn Tuấn - "5 xu hơn một hào" được mọi người cùng "dô, dô, dô" hưởng ứng. Thế là có động lực đi tong 3 chai "Men's" ông nào cũng mặt đỏ mà chửa thấy say.
Tiếp theo hồi sau là tuần trà, hoa quả nhấm nháp: lại có chuyện đây: Sao quýt nhà Thanh trồng trên sân thượng mà tươi ngon thế (Tuấn muốn xin giống); Bình ngăn không kịp: Giống thì tốt nhưng ... bón thì phải hỏi Ngọc (Ôi sao nhà hiền triết mà lại ngây thơ vậy!).

Thôi nhanh nhanh cho xe chuyển bánh, khoán nốt chặng thành cổ Sơn Tây để chụp ảnh lưu niệm (chẳng hát hò Karaok gì cả).
Tản mạn vài dòng cảm hứng, Mỗ xin treo gươm, gác giáo, cất bút nghiên đây, xin đa tạ!
**** NGUYỄN PHÚ BÌNH ****

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2009

Một mùa xuân mới đến với 10I

Thơ: Phạm Thanh Hiền, Lê Trung Nghĩa mạn phép chép lại

Ở nơi quét tuyết xa xa mà thấy rõ
Sớm nay đã nghe gió xuân về
Nên vào chúc bè bạn
MỘT MÙA XUÂN TRỌN VẸN
Bất tận, tử sinh, nguyên sơ
Cội rễ sống cho tất cả? dưới gầm trời
Một làn gió mong manh mà lay động cả đất trời
Từ xa xâm vạn kiếp

Cũng như mọi lần
Biết mùa xuân về
Qua một làn gió KHÔNG LÀ GIÓ
Đã về báo hiệu xuân
Vội vàng gửi đến người thân nơi xa xôi
Để kéo lại gần
Cảm ơn làn gió sớm mai
Gió đi từ hồng hoang
Từ thẳm sâu trong nguyên thuỷ
Mà chứa cả đất trời
Mà nuôi cả muôn loài
Mà gợi mở tâm can
Mà đủ đầy căn tính
Tuyệt vời sao làn gió nhỏ
Chỉ gặp một lần Mỗi sớm xuân sang

Chia mùa xuân cùng bạn bè 10I
Chu Văn An
--------------
Bản gốc:
O noi quet tuyet xa xa ma` thay ro
Som nay da nghe gio xuan ve
Nen vao chuc be ban
MOT MUA XUAN TRON VEN
Bat tan, tu*. sinh, nguyen so
Coi^. re^~ so^'ng cho tat ca? duoi gam troi
Mot lan gio mong manh ma lay dong ca? dat troi
tu*` xa xam van kiep ------
Cung nhu mo.i la^`n
Biet mua xuan ve
Qua Mot lan gio KHONG LA` GIO'
Dda ve bao hieu xuan
Voi vang gui den nguoi thannoi xa xoi
dde^? keo lai ga^`n
Cam on lan gio som mai
Gio di tu*` hong hoang
Tu*` tha)m sau trong nguyen thuy
Ma` chu*a' ca? ddat troi
Ma` nuoi ca? muon loai
Ma` go*.i mo*? tam can
Ma` ddu? dda^`y ca)n tinh'
Tuyet voi sao la`n gio' nho?
Chi? gap mot lanMoi som xuan sang

Chia mua xuan cung ban be 10 I
Chu Van An